Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị bệnh CRD ở gà

Bệnh CRD ở gà hay còn gọi là bệnh hen gà là một loại bệnh hô hấp mãn tính trên gà do vi khuẩn Mycoplasma gallisepticum gây ra. Khi vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh trên gà cơ thể sẽ khò khè, khó thở giống với bệnh hen ở người nên được gọi là bệnh hen gà. Bệnh này làm suy giảm hệ miễn dịch của gà làm tạo điều kiện cho các bệnh khác tấn công gà.

Nguyên nhân gây ra bệnh hen gà

CRD là tên viết tắt của Chonic Respiratory Disease là bệnh hen gà, không gây nguy hiểm giống như bệnh Marek nhưng là nguyên nhân gián tiếp làm đàn gà suy yếu và mắc phải những bệnh nguy hiểm khác.

Nguyên nhân chính gây ra bệnh CRD là vi khuẩn Mycoplasma gallisepticum gây ra. Chúng tồn tại ở cơ thể gà đợi các tác nhân bên ngoài tác động như thời tiết thay đổi đột ngột sẽ tác động lên gà làm giảm sức đề kháng. Vi khuẩn này chỉ sống được 1 – 3 ngày khi ra khỏi cơ thể, trong dịch nhầy thì 4-5 ngày, trong lòng trắng trứng thì 18 ngày.

Bệnh hen gà chủ yếu xuất hiện ở gà từ 2-12 tuần tuổi và đặc biệt là những gà mái chuẩn bị đẻ. Bệnh này thường bùng phát vào mùa đông xuân, khi không khí và độ ẩm tăng cao

  • Bệnh này có thể được truyền từ bố mẹ qua gà con thông qua trứng, một hình thức truyền nhiễm rất nguy hiểm với các trang trại nuôi gà.
  • Bệnh có khả năng lây qua môi trường sống bằng cách tiếp xúc giữa gà bệnh và gà bình thường thông qua việc dùng chung dụng cụ chăn nuôi. Ngoài ra môi trường ẩm ướt, nhiều NH3, H2S, khí độc, bụi phân và chất độn chuồng sẽ làm gà suy yếu hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
  • Thường ghép bệnh với viêm thanh khí quản, viêm phế quản, gumboro,…
  • Gà mắc bệnh tuy tỉ lệ tử vong thấp nhưng để lại di chứng về sau như chậm lớn, giảm khối lượng, giảm đẻ.

Triệu chứng và biểu hiện của bệnh hen gà

Bệnh hen gà có thời gian ủ bệnh từ 6-12 ngày với tỉ lệ chết khoảng 30%. Ngoài ra bệnh này có thể xảy ra cả ở gà con lẫn gà trưởng thành với những biểu hiện và triệu chứng rõ ràng.

Ở gà con

Bệnh thường xảy ra khi gà con 4-8 tuần tuổi, triệu chứng ở gà con thường nặng hơn bình thường vì đề kháng kém nên nhiễm thêm nhiều bệnh khác đặc biệt là E.Coli. Mới nhiễm gà con thường có biểu hiện giảm ăn, nước mũi chảy dịch trắng sau đó đặc dần. Khó thở hay khò khè nhất về đêm, viêm kết mạc mắt, sưng đầu, chảy nước mắt thường chết sau 3-4 ngày có biểu hiện trên. Nếu nhiễm bệnh kèm thêm E.coli thì sốt cao, tỷ lệ tử vong cao, những con còn sống thì chậm lớn.

Ở gà trưởng thành

Bệnh phát ra khi xảy ra những biến động ở môi trường sống như thay đổi thời tiết, chuyển chuồng, cắt mở,… những triệu chứng và biểu hiện cũng giống như gà con khi mắc bệnh. Ở gà mái thì tỉ lệ đẻ trứng giảm, chất lượng trứng kém, gà con yếu, nếu ghép với bệnh E.Coli thì trứng bị biến dạng và có vệt đỏ lấm tấm.

Bệnh tích của bệnh CRD

Bênh CRD là bệnh hô hấp của gà nên bệnh tích của bệnh này chủ yếu xuất hiện ở đường hô hấp.

Bệnh tích của bệnh CRD
Túi khí có bọt, vẩn đục
Bệnh tích của bệnh CRD
Trong phế quản có Casein
Bệnh tích của bệnh CRD
Trong phế quản có Casein
Bệnh tích của bệnh CRD
Khí quản cũng có kén Casein
Bệnh tích của bệnh CRD
Dịch nhầy trong khí quản

Phòng bệnh hen gà

Phòng bệnh CRD – hen gà trước tiên phải xây dựng được hàng rào sinh học, chuồng trại nuôi gà phải luôn vệ sinh sạch sẽ, gà vào ra ở đàn phải được đảm bảo đủ công tác phòng bệnh.

Chuồng gà phải ấm áp vào mùa đông, mùa hè thì mát mẻ, mật độ nuôi phù hợp với các lứa tuổi của gà. Sử dụng men rắc độn chuồng để giảm khí độc thải ra.

Tiêm vaccin phòng bệnh CRD cho gà theo từng giai đoạn tuổi và tùy từng mục đích nuôi. Ví dụ đối với gà nuôi thị thì 4-5 tuần tuổi tiêm phòng cho gà 1 lần duy nhất. Gà đẻ thì tiêm theo từng giai đoạn khác nhau miễn không tiêm trước 4 tuần tuổi. Gà đá cũng nên tiêm từ 4-5 tuần tuổi để tăng sức khỏe cho gà.

Cách điều trị bệnh CRD

Để chữa trị bệnh CRD cần chuẩn đoán chính xác bệnh, liệu có đi kèm theo bệnh nào khác không. Ví dụ mắc bệnh CRD mà đi kèm với Gumboro, Newcastle thì cần điều trị Gumboro, Newcastle trước khi trị bệnh CRD.

Để điều trị bệnh CRD thì có những cách như sau:

  • Kiểm tra loại bỏ những yếu tố có thể gây ảnh hưởng gián tiếp tới gà như chất độn chuồng bẩn, nguồn ăn uống không đảm bảo, môi trường sống không đảm bảo vệ sinh.
  • Gà phát sốt, có long đờm thì sử dụng thuốc có thành phần Vitamin C, Bromhexin… Giảm mật độ nuôi gà tránh nuôi quá dày.
  • Sử dụng kháng sinh Doxycylin, Tylossin nhưng không dùng cho gà đẻ.

Bài viết trên chứa đầy đủ những thông tin cần thiết để các sư kê, người chăn nuôi gà có thêm kiến thức để phòng bệnh cũng như chữa bệnh CRD kíp thời tránh xảy ra những tổn thất không đáng có.